Hỗ trợ và kháng cự là gì? Cách đọc vị thị trường như nhà đầu tư chuyên nghiệp

Khu vực đỉnh đáy trong quá khứ thường đường sử dụng để làm ngưỡng kháng cự và hỗ trợ

Thị trường chứng khoán luôn biến động khó lường. Giữa những “con sóng dữ” ấy, nhà đầu tư có thể tìm thấy những vùng giá hỗ trợ và kháng cự – nơi mà lực mua/bán giằng co mạnh khiến giá có xu hướng di chuyển chậm lại và đảo chiều hoặc tiếp tục xu hướng. Trong phân tích kỹ thuật, kháng cự và hỗ trợ là hai yếu tố quan trọng giúp nhà đầu tư đọc vị thị trường.

1. Hỗ trợ và kháng cự là gì?

Khái niệm: Hỗ trợ và kháng cự là các vùng giá – nơi giá cổ phiếu được kỳ vọng sẽ đảo chiều hoặc di chuyển chậm lại trước khi tiếp tục xu hướng và hành vi này có thể lặp lại trong tương lai.

  • Hỗ trợ (Support) là vùng giá mà ở đó xu hướng giảm được kỳ vọng sẽ đảo chiều tăng. Tại vùng giá này, lực mua cổ phiếu sẽ chiếm ưu thế so với lực bán.
  • Kháng cự (Resistance) là vùng giá mà ở đó xu hướng tăng được kỳ vọng sẽ đảo chiều giảm. Tại vùng giá này, lực bán cổ phiếu sẽ chiếm ưu thế so với lực mua.

Đặc biệt, khi giá vượt qua ngưỡng hỗ trợ hoặc kháng cự, vai trò của các vùng này sẽ đảo ngược:

  • Ngưỡng kháng cự bị phá vỡ sẽ trở thành ngưỡng hỗ trợ mới.
  • Ngưỡng hỗ trợ bị xuyên thủng sẽ trở thành ngưỡng kháng cự mới.

Vai trò của đường kháng cự và hỗ trợ trong giao dịch chứng khoán

Ngưỡng hỗ trợ có thể giúp nhà đầu tư tối ưu hóa lợi nhuận khi giao dịch ngắn hạn, vì chúng giúp nhà đầu tư thấy được vùng giá thấp nhất mà ở đó giá có thể đảo chiều tăng trở lại.

Ngược lại, ngưỡng kháng cự lại là vùng giá cao nhất trong ngắn hạn, nơi giá gặp áp lực bán và khó bứt phá. Nếu nhà đầu tư dài hạn không nhận diện được ngưỡng kháng cự hoặc nhầm lẫn kháng cự là hỗ trợ, họ rất có thể sẽ mua vào ở mức giá quá cao, làm giảm tiềm năng sinh lời.

Tuy nhiên khi giá phá vỡ một ngưỡng hỗ trợ hoặc kháng cự, vai trò của chúng sẽ đảo ngược: kháng cự cũ trở thành hỗ trợ mới và ngược lại, mở ra cơ hội giao dịch theo xu hướng mới.

Xem thêm: Các khái niệm cơ bản về chứng khoán

Ngưỡng hỗ trợ có thể giúp nhà đầu tư thấy được vùng giá thấp nhất mà ở đó giá có thể đảo chiều tăng trở lại
Ngưỡng hỗ trợ có thể giúp nhà đầu tư thấy được vùng giá thấp nhất mà ở đó giá có thể đảo chiều tăng trở lại

2. Lý do hình thành vùng hỗ trợ, vùng kháng cự

Vùng hỗ trợ và vùng kháng cự hình thành bởi hai yếu tố cốt lõi sau:

  • Tâm lý thị trường:
    • Khi giá cổ phiếu tăng cao, nhiều nhà đầu tư có xu hướng bán ra để chốt lời, khiến giá khó tăng tiếp và tạo ra vùng kháng cự.
    • Khi giá cổ phiếu giảm mạnh, nhiều người lại mua vào với kỳ vọng giá sẽ hồi phục, từ đó hình thành vùng hỗ trợ.
    • Điều này xảy ra vì phần lớn nhà đầu tư hành động dựa trên cùng một thông tin thị trường và có xu hướng đặt lệnh ở các mức giá tương tự nhau.
  • Thói quen quá khứ: Phân tích kỹ thuật dựa vào dữ liệu lịch sử và nhà đầu tư thường ghi nhớ các mức giá đỉnh hoặc đáy trong quá khứ. Khi giá quay lại các vùng đỉnh/đáy, họ có xu hướng lặp lại hành vi cũ vì tin rằng thị trường sẽ vận động và tạo ra kết quả tương tự như quá khứ.

3. Cách xác định vùng kháng cự và hỗ trợ

Sau đây là 7 phương pháp đơn giản giúp nhà đầu tư xác định vùng hỗ trợ và kháng cự trên biểu đồ kỹ thuật:

3.1. Sử dụng bóng nến

Đường hỗ trợ và kháng cự thường là một vùng giá trên biểu đồ. Bóng nến thường được sử dụng để xác định vùng này.

  • Vùng kháng cự được tính từ mức giá cao nhất của bóng nến trên.
  • Vùng hỗ trợ được tính từ mức giá thấp nhất của bóng nến dưới.

Càng có nhiều bóng nến xuất hiện trong vùng này, vùng hỗ trợ hoặc kháng cự càng mạnh. Khi đó, giá sẽ gặp khó khăn khi cố gắng phá vỡ vùng hỗ trợ/ kháng cự.

3.2. Hệ thống đỉnh đáy trong quá khứ

Thông thường tại khu vực đáy trong quá khứ, giá thường có xu hướng dừng đà giảm. Ngược lại tại khu vực đỉnh trong quá khứ, giá thường có xu hướng dừng đà tăng.

  • Đáy trong quá khứ được sử dụng làm ngưỡng hỗ trợ.
  • Đỉnh trong quá khứ được sử dụng làm ngưỡng kháng cự.
Khu vực đỉnh đáy trong quá khứ thường đường sử dụng để làm ngưỡng kháng cự và hỗ trợ
Khu vực đỉnh đáy trong quá khứ thường đường sử dụng để làm ngưỡng kháng cự và hỗ trợ

3.3. Mức giá tròn (Hay còn gọi là mức tâm lý)

Các mức giá tròn như 10, 20, 50, 100,… thường đóng vai trò là vùng hỗ trợ hoặc kháng cự quan trọng trên biểu đồ giá. Nguyên nhân là vì lực cung – cầu có xu hướng tập trung mạnh tại các ngưỡng giá này, khiến giá có xu hướng dừng đà tăng/giảm tại đây.

Về mặt tâm lý hành vi, nhà đầu tư có xu hướng đặt lệnh mua – bán tại các con số tròn do dễ ghi nhớ và thuận tiện cho việc phân tích. Ví dụ: mức giá 999,59 thường bị tiềm thức làm tròn thành 1.000, dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư đặt kỳ vọng hoặc hành động giao dịch quanh ngưỡng này, từ đó tạo nên các vùng giá có ý nghĩa trên thị trường.

3.4. Sử dụng đường xu hướng (trendline)

Trong xu hướng giảm, việc nối 2 đỉnh giá trong một khoảng thời gian sẽ tạo thành đường xu hướng giảm – đóng vai trò như đường kháng cự. Khi giá tiến gần đến đường xu hướng, áp lực bán thường tăng.

Ngược lại trong xu hướng tăng, việc nối các mức giá thấp nhất sẽ tạo thành đường xu hướng tăng – đường hỗ trợ. Khi giá giảm về đường hỗ trợ, áp lực mua sẽ gia tăng, từ đó giá sẽ có xu hướng đảo chiều tăng trở lại.

Khi giá tiến gần đến đường xu hướng, giá có khả năng cao đảo chiều quay trở lại
Khi giá tiến gần đến đường xu hướng, giá có khả năng cao đảo chiều quay trở lại

3.5. Dùng đường MA (Moving Averages)

Đường MA là đường trung bình động giúp làm phẳng biến động giá của cổ phiếu trong một khoảng thời gian. Khi quan sát đường MA, nhà đầu tư có thể dự đoán xu hướng giá trong tương lai.

Trong trường hợp giá cổ phiếu đang dao động dưới đường trung bình:

  • Nếu giá tiến gần đường trung bình, lực bán sẽ tăng dẫn đến giá cổ phiếu giảm.
  • Nếu giá càng xa đường trung bình, lực mua sẽ tăng và giá sẽ trở về xu hướng tăng.

Trong trường hợp giá cổ phiếu đang dao động trên đường trung bình:

  • Nếu giá tiến gần đường trung bình, lực mua sẽ tăng dẫn đến giá cổ phiếu tăng.
  • Nếu giá càng xa đường trung bình, lực bán sẽ tăng và giá sẽ trở về xu hướng tăng.
Đường trung bình động làm phẳng tín hiệu giá và giúp xác định vùng hỗ trợ/ kháng cự
Đường trung bình động làm phẳng tín hiệu giá và giúp xác định vùng hỗ trợ/ kháng cự

3.6. Fibonacci Retracement

Fibonacci Retracement (Fibonacci thoái lui) là một công cụ phân tích kỹ thuật dựa trên tỷ lệ vàng (0.618) – một quy luật thường thấy trong tự nhiên và được cho là có tính ứng dụng trong hành vi thị trường tài chính.

Các ngưỡng Fibonacci quan trọng là 38.2%, 61.8%, 161.8% và 261.8%. Chúng  được tính toán dựa trên biên độ dao động của sóng giá trước đó. Giá thường có xu hướng dừng đà tăng/giảm tại các ngưỡng này.

  • Trong xu hướng giảm, kéo Fibonacci từ đỉnh xuống đáy để xác định các ngưỡng kháng cự.
  • Trong xu hướng tăng, kéo Fibonacci từ đáy lên đỉnh để xác định các ngưỡng hỗ trợ.
Giá cổ phiếu thường có sự thay đổi lớn tại các mức Fibonacci
Giá cổ phiếu thường có sự thay đổi lớn tại các mức Fibonacci

3.7. Dải Bollinger

Dải Bollinger là một chỉ báo trên đồ thị đường, được phát triển bởi John Bollinger. Bollinger được dùng để đo lường mức độ biến động giá thị trường và gồm 3 dải:

  • Dải giữa: Đường trung bình động SMA20
  • Dải trên: SMA20 + (2 lần độ lệch chuẩn biến động giá trong 20 ngày) – mức kháng cự.
  • Dải dưới: SMA20 – (2 lần độ lệch chuẩn biến động giá trong 20 ngày) – mức hỗ trợ.

Khung thời gian được sử dụng càng dài, ngưỡng kháng cự – hỗ trợ này càng mạnh.

Dải Bollinger trên tương ứng mức kháng cự và Dải Bollinger dưới tương ứng mức hỗ trợ
Dải Bollinger trên tương ứng mức kháng cự và Dải Bollinger dưới tương ứng mức hỗ trợ

4. Cách giao dịch với mức hỗ trợ và kháng cự

Các mức kháng cự và hỗ trợ thường hình thành tại những vùng giá từng có lượng giao dịch lớn, thu hút sự chú ý của đông đảo nhà đầu tư. Khi nhiều người cùng quan sát và phản ứng tại cùng một mức giá, những vùng này trở nên quan trọng và có thanh khoản cao. Đây cũng là khu vực mà các nhà đầu tư lớn đi vào hoặc thoát khỏi các vị thế.

Thông thường, khi giá tiếp cận vùng hỗ trợ hoặc kháng cự sẽ có 2 kịch bản chính xảy ra:

  • Giá bật ra khỏi vùng (bật ngược) – đảo chiều xu hướng → Có thể đặt lệnh mua khi giá bật lại từ vùng hỗ trợ và đặt lệnh bán khi giá bật lại từ vùng kháng cự.
  • Giá vượt ra khỏi vùng hỗ trợ/ kháng cự hiện tại và tiếp tục theo xu hướng trước đó (vùng kháng cự bị phá vỡ trở thành hỗ trợ mới, vùng hỗ trợ bị phá vỡ trở thành kháng cự mới) → Có thể đặt lệnh mua khi giá phá vỡ vùng kháng cự và đặt lệnh bán khi giá phá vỡ vùng hỗ trợ.

Việc tham gia một giao dịch gần một ngưỡng hỗ trợ hoặc vùng kháng cự có thể là một chiến lược có lợi. Chủ yếu là vì tương đối gần điểm vô hiệu – nơi chúng ta thường đặt lệnh stop-loss.

Khi vào lệnh gần điểm vô hiệu (ngưỡng Dừng lỗ), các trader có thể cắt lỗ và thoát vị thế với một khoản lỗ nhỏ. Tóm lại, điểm vào lệnh càng xa vùng hỗ trợ hoăc vùng kháng cự thì ngưỡng Dừng lỗ sẽ càng xa.

Khi giá tiếp cận vùng hỗ trợ/kháng cự, giá sẽ bật lại hoặc phá vỡ và tiếp tục theo xu hướng dẫn đến vùng hỗ trợ/kháng cự tiếp theo

5. Lưu ý khi giao dịch với mức hỗ trợ và kháng cự

Dưới đây là 3 lưu ý quan trọng mà các chuyên gia đã đúc kết được sau nhiều năm giao dịch với mức hỗ trợ và kháng cự:

Thứ nhất – Nhà đầu tư cần có cái nhìn toàn cảnh và phân tích đa chiều trước khi đưa ra quyết định mua/bán để tránh bẫy thị trường. Chú ý theo dõi xu hướng chung của thị trường, tin tức kinh tế – tài chính, tâm lý thị trường và quản trị rủi ro.

Thứ hai – Nhà đầu tư cần lưu ý rằng khi bối cảnh thay đổi, một vùng hỗ trợ bị phá vỡ có thể trở thành kháng cự và ngược lại. Đây gọi là mô hình lật hỗ trợ – kháng cự. Việc giá cổ phiếu vượt qua vùng hỗ trợ/ kháng cự và quay trở lại kiểm tra lại vùng hỗ trợ/ kháng cự này có thể là một cơ hội thuận lợi để bắt đầu một vị thế mới.

Thứ ba – Những yếu tố làm tăng độ tin cậy của vùng kháng cự và hỗ trợ

  • Số lần giá chạm vùng hỗ trợ/ kháng cự mà không phá vỡ:
    • Giá giảm và kiểm tra lại vùng hỗ trợ nhiều lần thì vùng hỗ trợ đó càng đáng tin cậy.
    • Giá tăng và kiểm tra lại vùng kháng cự nhiều lần thì vùng kháng cự đó càng đáng tin cậy.
  • Biến động giá trước đó: Các vùng hỗ trợ và kháng cự trong chứng khoán có ý nghĩa hơn khi chúng hình thành sau những đợt tăng hoặc giảm mạnh.
  • Khối lượng giao dịch: Càng nhiều khối lượng được khớp tại mức giá, mức hỗ trợ/ kháng cự đó càng rõ ràng. Bởi vì nhà đầu tư thường nhớ các mức giá này và có xu hướng sử dụng chúng một lần nữa.
  • Khung thời gian: Vùng hỗ trợ/ kháng cự được xác định trên biểu đồ dài hạn (tuần, tháng) thường đáng tin hơn biểu đồ ngắn hạn (1 – 5 phút).
Giá quay trở lợi vùng hỗ trợ/ kháng cự càng nhiều lần thì tín hiệu càng đáng tin cậy
Giá quay trở lợi vùng hỗ trợ/ kháng cự càng nhiều lần thì tín hiệu càng đáng tin cậy

6. Sai lầm phổ biến khi ứng dụng kháng cự và hỗ trợ

Dưới đây là 2 sai lầm nhà đầu tư thường mắc phải khi ứng dụng vùng kháng cự và hỗ trợ trong giao dịch:

  • Cố định mức giá quá cứng nhắc – Ngưỡng hỗ trợ và kháng cự là các vùng giá chứ không phải con số chính xác. Đôi khi giá sẽ giảm xuống dưới mức hỗ trợ hoặc vượt lên trên mức kháng cự. Giá cũng có thể đảo ngược trước khi chạm mức hỗ trợ/ kháng cự.
  • Không kết hợp các chỉ báo kỹ thuật khác khi phân tích – Kết hợp linh hoạt các chỉ báo (MACD, RSI…) với vùng hỗ trợ/ kháng cự sẽ làm tăng xác suất giao dịch thành công và giảm rủi ro do tín hiệu nhiễu.

Hỗ trợ và kháng cự là một trong những khái niệm quan trọng nhất và là nền tảng để hình thành nên các công cụ phân tích kỹ thuật khác trong chứng khoán. Nhà đầu tư nên luyện tập nhiều để thành thạo từng phương pháp phân tích, sau đó kết hợp chúng với nhau để tự tạo cho mình một phương pháp riêng. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư tránh được những quyết định cảm tính.

Ngoài kiến thức nền tảng, một công cụ phân tích trực quan và sự tư vấn của các chuyên gia tài chính sẽ góp phần quan trọng vào hiệu quả đầu tư. Nếu bạn đang tìm kiếm một nền tảng như vậy, ACBS có thể là nơi để bạn bắt đầu từng bước xây dựng chiến lược đầu tư bài bản hơn. Đội ngũ cố vấn nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường của ACBS luôn sẵn sàng đồng hành cùng nhà đầu tư trong mọi phiên giao dịch.

Mở tài khoản tại ACBS ngay tại đây để học cách đầu tư bài bản, tối ưu lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro cùng chuyên gia tài chính. Kết nối với ACBS qua Hotline 1900 555533 hoặc Fanpage Chứng khoán ACB – ACBS để được tư vấn trực tiếp.

Enquire now

Give us a call or fill in the form below and we will contact you. We endeavor to answer all inquiries within 24 hours on business days.