Chứng khoán phái sinh là gì? Kiến thức cơ bản cần biết

Chứng khoán phái sinh dần trở thành công cụ đầu tư quan trọng giúp kiểm soát rủi ro và tìm kiếm cơ hội sinh lời cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ chứng khoán phái sinh là gì, cách thức hoạt động cũng như lợi ích và rủi ro tiềm ẩn. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nắm vững khái niệm, cách vận hành cũng như vai trò của chứng khoán phái sinh trên thị trường tài chính.
Mục lục bài viết
1. Chứng khoán phái sinh là gì?
Chứng khoán phái sinh (CKPS) là công cụ tài chính có giá trị phụ thuộc vào sự biến động giá của một tài sản cơ sở. Tài sản cơ sở này có thể là hàng hóa như nông sản, kim loại,… hoặc các công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu,…
Khi tham gia giao dịch CKPS, các bên ký kết hợp đồng sẽ quy định rõ quyền lợi và/hoặc nghĩa vụ của nhau. Theo đó, họ cam kết thanh toán hoặc chuyển giao tài sản cơ sở theo mức giá đã thỏa thuận trước, tại một thời điểm xác định trong tương lai.
Hãy cùng xem xét ví dụ đơn giản sau để dễ hình dung hơn về cách thức hoạt động của CKPS:
- Hiện tại, giá 1 tấn gạo là 10 triệu đồng.
- Bạn dự đoán giá gạo sẽ tăng do mùa lễ tết sắp đến. Vì vậy, bạn ký một hợp đồng với đối tác, cam kết mua 10 tấn gạo vào tháng sau với giá cố định 10 triệu đồng/tấn.
- TH 1: Giá gạo tăng đúng như dự đoán – Giá gạo tăng lên 12 triệu đồng/tấn. Bạn lãi 2 triệu đồng/tấn vì đã mua được gạo với giá rẻ hơn giá thị trường.
- TH 2: Giá gạo giảm – Giá gạo rớt xuống còn 9 triệu đồng/tấn. Bạn lỗ 1 triệu đồng/tấn vì phải mua gạo với giá cao hơn thị trường.

2. Các loại chứng khoán phái sinh
Chứng khoán phái sinh được phân thành nhiều loại dựa trên tính chất hợp đồng và quyền hay nghĩa vụ của các bên tham gia. Dưới đây 4 loại CKPS nổi bật trên thị trường chứng khoán thế giới:
Hợp đồng tương lai | Hợp đồng quyền chọn | Hợp đồng kỳ hạn | Hợp đồng hoán đổi |
Là phiên bản chuẩn hóa của hợp đồng kỳ hạn, được niêm yết và giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán. | Người nắm giữ hợp đồng quyền chọn có quyền nhưng không có nghĩa vụ, mua/bán một loại tài sản cơ sở tại một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá đã được xác định trước.
Người bán hợp đồng có nghĩa vụ thực hiện giao dịch khi người nắm giữ hợp đồng chọn thực hiện quyền. |
Là thỏa thuận giữa hai bên về việc mua/bán một loại tài sản tại một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá đã thỏa thuận từ thời điểm ký kết hợp đồng. | Là thỏa thuận giữa hai bên về việc hoán đổi các dòng tiền phát sinh từ các công cụ tài chính trong tương lai. Hợp đồng quy định cụ thể phương pháp tính toán dòng tiền và thời điểm hoán đổi. |
Tìm hiểu về chứng khoán phái sinh Việt Nam
Nhằm giúp nhà đầu tư (NĐT) từng bước làm quen với công cụ đầu tư mới, hợp đồng tương lai (HĐTL) được chọn làm sản phẩm CKPS đầu tiên triển khai tại Việt Nam.
Hợp đồng tương lai là loại phái sinh chứng khoán niêm yết, xác nhận cam kết giữa các bên để thực hiện một trong các giao dịch sau đây:
- Mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định vào ngày đã xác định trong tương lai.
- Thanh toán khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở vào ngày đã xác định trong tương lai.
Hiện nay, thị trường Việt Nam cung cấp hai loại hợp đồng tương lai:
- HĐTL chỉ số chứng khoán (dành cho mọi NĐT) – HĐTL chỉ số VN30 mô phỏng kỳ vọng về giá của chỉ số VN30 tại thời điểm đáo hạn. Chỉ số VN30 được tính dựa trên 30 cổ phiếu có vốn hóa thị trường và tính thanh khoản cao nhất trên sàn HOSE.
- HĐTL trái phiếu chính phủ (kỳ hạn 5 năm và kỳ hạn 10 năm, dành cho NĐT tổ chức và NĐT cá nhân chuyên nghiệp).
Ví dụ về cách thức hoạt động của HĐTL chỉ số VN30
Giả sử NĐT A dự đoán rằng chỉ số VN30 sẽ tăng từ 1.200 điểm lên 1.250 điểm trong tháng tới. A mua một HĐTL VN30F với mức giá 1.200 điểm.
- Nếu đến ngày đáo hạn, chỉ số VN30 tăng lên 1.250 điểm, A lãi 50 điểm * 100.000 đồng/điểm = 5.000.000 đồng/hợp đồng.
- Nếu VN30 giảm xuống 1.150 điểm, A lỗ 50 điểm * 100.000 đồng = 5.000.000 đồng/hợp đồng.
Quy mô hợp đồng: 100.000 đồng/điểm (theo quy định của Sở GDCK phái sinh Việt Nam).

3. Cách vận hành thị trường phái sinh
Thị trường chứng khoán phái sinh có một số đặc điểm đặc biệt khác với chứng khoán cơ sở mà NĐT nên lưu ý. Cụ thể như sau:
3.1. Ký quỹ
Khi tham gia thị trường CKPS, NĐT bắt buộc phải ký quỹ – một khoản tiền đặt cọc nhằm đảm bảo nghĩa vụ thanh toán/chuyển giao tài sản của hai bên tham gia hợp đồng.
Dưới đây là các loại ký quỹ mà NĐT cần nắm:
Khái niệm và đặc điểm | |
Tỷ lệ ký quỹ ban đầu | Tỷ lệ giữa giá trị tài sản thực có so với giá trị chứng khoán dự kiến mua theo giá đặt tại thời điểm giao dịch. Tỷ lệ ký quỹ ban đầu do CTCK quyết định và có thể thay đổi trong từng thời kỳ. |
Tỷ lệ ký quỹ thực tế | Tỷ lệ ký quỹ thực tế = Tài sản thực có / (Tổng tài sản GDKQ – Tiền có thể dùng thanh toán nợ)
Tiền có thể dùng thanh toán nợ = Min (Tiền mặt + Tiền bán CK chờ về có thể ứng, Dư nợ trên TKKQ) |
Tỷ lệ ký quỹ duy trì | Nếu tỷ lệ ký quỹ thực tế giảm xuống dưới mức này, bạn sẽ nhận được lệnh gọi ký quỹ bổ sung (margin call) từ CTCK. Tỷ lệ ký quỹ duy trì do CTCK quyết định và có thể thay đổi trong từng thời kỳ. |
Tỷ lệ ký quỹ xử lý | Khi tỷ lệ ký quỹ thực tế tụt xuống dưới ngưỡng này, CTCK có quyền bán một phần hoặc toàn bộ chứng khoán trên tài khoản ký quỹ của khách hàng để thu hồi nợ và đảm bảo tỷ lệ quỹ thực tế không thấp hơn tỷ lệ ký quỹ duy trì. Tỷ lệ ký quỹ duy trì do CTCK quyết định có thể thay đổi trong từng thời kỳ. |
Trong các loại ký quỹ trên, ký quỹ ban đầu (Initial Margin – IM) là quan trọng nhất.
- Nếu số dư tài khoản ký quỹ lớn hơn mức ký quỹ ban đầu, NĐT có thể rút bớt tiền ký quỹ.
- Nếu số dư thấp hơn mức ký quỹ duy trì, NĐT sẽ bị gọi ký quỹ và cần nạp thêm tiền để đưa tỷ lệ ký quỹ quay trở về tối thiểu bằng với mức ký quỹ ban đầu.
Ký quỹ ban đầu được tính theo công thức sau:
Mức ký quỹ ban đầu = Giá giao dịch * Hệ số nhân Hợp đồng * Số lượng Hợp đồng mua/bán * Tỷ lệ ký quỹ yêu cầu |
Trong đó:
- Giá giao dịch được xác định theo từng thời điểm:
- Đầu ngày: Giá tham chiếu.
- Trong ngày: Giá khớp gần nhất.
- Cuối ngày: Giá cuối giờ.
- Tỷ lệ ký quỹ ban đầu có thể thay đổi tùy theo quy định của từng thời điểm. Tính đến ngày 18/04/2025, tỷ lệ ký quỹ ban đầu đối với HĐTL chỉ số VN30 là 17%.
Ví dụ: NĐT mua 1 HĐTL chỉ số VN30 với giá 1.200 điểm. Hệ số nhân của hợp đồng là 100.000 đồng. Tỷ lệ ký quỹ là 17%. Khi đó:
- Giá trị hợp đồng = 1.200 * 100.000 * 1 = 120.000.000 đồng.
- Số tiền ký quỹ ban đầu = 120.000.000 * 17% = 20.400.000 đồng.
>> Xem thêm: Hướng dẫn giao dịch ký quỹ và bổ sung tiền ký quỹ duy trì chi tiết tại đây

3.2. Vị thế giao dịch
Vị thế là trạng thái giao dịch và khối lượng HĐTL còn hiệu lực mà NĐT đang nắm giữ tại thời điểm đó.
Mở vị thế:
- Mở vị thế BÁN khi kỳ vọng Giá tài sản cơ sở sẽ GIẢM trong tương lai.
- Mở vị thế MUA khi kỳ vọng Giá tài sản cơ sở sẽ TĂNG trong tương lai.
Đóng vị thế là việc mở một vị thế mua (hoặc bán) nhằm làm giảm vị thế bán (hoặc mua) cùng loại HĐTL đã được mở trước đó. Việc đóng vị thế có thể được NĐT thực hiện trong các trường hợp sau:
- Nắm giữ HĐTL đến khi đảo hạn và thanh toán hợp đồng
- Chấm dứt vị thế trước khi HĐTL đáo hạn:
- Không còn nhu cầu tham gia hợp đồng.
- Chốt lời/cắt lỗ.
- Không đủ khả năng bổ sung ký quỹ theo yêu cầu.
Vị thế ròng tại một thời điểm được xác định bằng chênh lệch giữa vị thế mua đã mở và vị thế bản đã mở của HĐTL đó tại cùng một thời điểm.
3.3. Thanh toán hàng ngày
Lãi hay lỗ của từng vị thế được tính và thanh toán mỗi ngày dựa trên chênh lệch giá mua/bán HĐTL với giá đóng cửa:
- Nếu tài khoản ghi nhận lỗ ròng, NĐT phải thanh toán toàn bộ số lỗ phát sinh trước 9 giờ sáng ngày hôm sau.
- Nếu tài khoản ghi nhận lãi ròng, NĐT sẽ nhận được toàn bộ số lãi sau 11 giờ sáng hôm sau.
Riêng với HĐTL đến ngày đáo hạn, lãi lỗ sẽ được xác định dựa trên giá đóng cửa của chỉ số tại ngày đáo hạn.
3.4. Bán khống
Trong thị trường phái sinh, NĐT có thể bán HĐTL (mở vị thế “short”) dù không sở hữu tài sản cơ sở. Nhờ đó, NĐT có thể tận dụng cơ hội kiếm lời ngay cả khi thị trường giảm.
Ví dụ:
- Hiện tại, VN30F1M (hợp đồng tương lai chỉ số VN30 kỳ hạn 1 tháng) đang có giá 1.200 điểm.
- Nếu dự đoán chỉ số VN30 giảm, NĐT có thể đặt lệnh short mã chứng khoán VN30F1M ở mức giá 1.200 điểm.
- Khi chỉ số VN30 thực sự giảm xuống 1.170 điểm, NĐT mua lại hợp đồng với giá thấp hơn và thu lợi nhuận từ biến động giá.
- Lợi nhuận = (1.200 – 1.170) * 100.000 = 3.000.000 đồng.

4. So sánh chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh
Bảng so sánh chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh dưới đây sẽ giúp NĐT hiểu rõ hơn về cách vận hành thị trường CKPS.
Đặc điểm | Chứng khoán cơ sở | Chứng khoán phái sinh |
Khối lượng phát hành | Giới hạn (phụ thuộc vào tổ chức phát hành) | Không giới hạn |
Bán khống | Chưa được cho phép tại TTCK Việt Nam | Mở vị thế bán mà không cần có tài sản cơ sở |
Yêu cầu tối thiểu để giao dịch | Người mua: có đủ tiền để mua tổng số CK cần mua
Người bán: có đủ chứng khoán để bán |
Người mua/bán: đặt cọc một phần giá trị tài sản nhằm đảm bảo nghĩa vụ thanh toán trong tương lai |
Thời điểm chuyển giao tài sản | 2 ngày sau khi đặt lệnh mua/bán | Tại một thời điểm xác định trong tương lai |
Ngày giao dịch đầu tiên | Ngày đầu tiên chứng khoán được niêm yết trên sàn chứng khoán | Ngày HĐTL được niêm yết, mã HĐTL cũ đáo hạn sẽ được tự động hủy niêm yết và thay thế bằng một mã HĐTL mới có thời điểm đáo hạn mới |
Mã giao dịch | Mỗi loại cổ phiếu/trái phiếu/chứng chỉ quỹ có một mã giao dịch cố định | Mỗi hợp đồng có nhiều mã giao dịch, mỗi mã tương ứng với một tháng đáo hạn |
Chu kỳ giao dịch | Chờ đến ngày T+2 để bán chứng khoán đã mua | Giao dịch T0 có thể mua bán ngay trong phiên |
5. Cơ hội và rủi ro khi đầu tư chứng khoán phái sinh. Có nên đầu tư?
Thị trường CKPS mang đến nhiều cơ hội hấp dẫn nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Hiểu rõ cả hai khía cạnh này sẽ giúp NĐT đưa ra quyết định sáng suốt hơn.
Cơ hội | Rủi ro |
|
|
⇒ Kết luận: Ai nên đầu tư chứng khoán phái sinh?
- NĐT đã có kinh nghiệm và kiến thức về thị trường cũng như khả năng quản trị rủi ro.
- NĐT có khả năng phân tích kỹ thuật và cơ bản để hạn chế giao dịch theo cảm tính.
- NĐT mới nên bắt đầu với CKCS trước khi thử sức với CKPS.
6. Lưu ý quan trọng khi đầu tư giao dịch phái sinh
Để hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả đầu tư, nhà đầu tư cần lưu ý những điểm sau:
- Quản trị rủi ro, chủ động cắt lỗ bằng cách đặt stop-loss.
- Tránh mở vị thế qua đêm để giảm thiểu rủi ro biến động giá bất ngờ dẫn đến lỗ.
- Không dùng toàn bộ tài sản để ký quỹ.
- Theo dõi lệnh gọi ký quỹ (margin call) và bổ sung tiền ký quỹ kịp thời để tránh rủi ro bị bán giải chấp cổ phiếu.
- Phân tích kỹ thuật & theo dõi chỉ số VN30 để kịp thời xử lý khi có biến động.
- Cập nhật thông tin vĩ mô và diễn biến thị trường từ nguồn đáng tin cậy để tránh giao dịch theo xu hướng.
- Quản lý cảm xúc bằng cách học hỏi, rèn luyện kỹ năng phân tích biểu đồ, chỉ báo kỹ thuật và xu hướng thị trường. Kiến thức sẽ giúp NĐT kiểm soát cảm xúc để đưa ra quyết định sáng suốt, tránh bị ảnh hưởng bởi thông tin nhiễu và biến động ngắn hạn.
- Tham vấn ý kiến của các chuyên gia đầu tư để hạn chế rủi ro. Các công ty chứng khoán lớn như ACBS có đội ngũ chuyên gia tư vấn và trung tâm phân tích dữ liệu chuyên sâu sẽ liên tục cập nhật các báo cáo thị trường và đưa ra lời khuyên hữu ích cho nhà đầu tư.
Xem thêm: Cách đầu tư chứng khoán phái sinh | Đầu tư chiến lược cùng chuyên gia

Dù mở ra nhiều cơ hội sinh lời hấp dẫn nhưng chứng khoán phái sinh vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro. Vì vậy, mỗi nhà đầu tư hãy trang bị cho mình nền tảng vững chắc và chiến lược quản lý rủi ro phù hợp trước khi tham gia vào thị trường sôi động này.
Mở tài khoản chứng khoán trực tuyến ngay Tại đây để trải nghiệm nền tảng giao dịch hiện đại, ổn định, bảo mật cao và nhận tư vấn đầu tư từ các chuyên gia tài chính nhiều năm kinh nghiệm. Kết nối với ACBS qua Hotline 1900 555533 hoặc Fanpage Chứng khoán ACB – ACBS để được tư vấn trực tiếp.