Báo cáo tuần thị trường chứng quyền (23.10 – 27.10)
30/10/2023 - 5:14:30 ChiềuChỉ số VNIndex tiếp tục trải qua tuần giao dịch đầy biến động với áp lực bán gia tăng mạnh và bất ngờ trong phiên 26/10. Lực bán thu hẹp cùng với lực cầu bắt đáy khi chỉ số giảm về vùng 1.040 điểm đã giúp thị trường hồi phục vào phiên giao dịch cuối tuần và đóng cửa tại mốc 1.060,62 điểm. So với vùng đỉnh 1.250 điểm được hình thành trong tháng 8 và 9, thị trường đã giảm 190 điểm, tương đương khoảng 15%. Đây là 1 mức giảm điểm rất đáng kể nếu so với mức giảm điểm của các thị trường tài chính khác trên thế giới. Tâm lý nhà đầu tư khá tiêu cực và mong manh, sẵn sàng bán bỏ khi đối mặt với các yếu tố rủi ro từ cả trong và ngoài nước như xung đột địa chính trị, sự thay đổi chính sách tiền tệ các nước, rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu hay câu chuyện tỷ giá tăng vẫn đang hiện hữu. Tâm điểm thị trường tuần tới sẽ xoay quanh kỳ họp của FED – cuộc họp sẽ quyết định chính sách về lãi suất điều hành cũng như đưa ra quan điểm và định hướng về chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Thị trường dự đoán mức lãi suất vẫn giữ nguyên như hiện tại là 5,25 – 5,5%. Tuy nhiên, với việc lạm phát đang ở mức cao và còn cách xa mục tiêu của FED, mức lãi suất hiện tại có thể phải duy trì trong khoảng thời gian dài nhằm đưa lạm phát về mức kỳ vọng. Như vậy, TTCK Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi dư địa điều chỉnh chính sách tiền tệ không còn nhiều, tỷ giá cũng sẽ gặp áp lực bởi chênh lệch lãi suất giữa VND và USD ở mức cao. Sau khi VNIndex có nhịp điều chỉnh trên 15%, nhiều nhà đầu tư rơi vào trạng thái chán chường, thất vọng, thậm chí rời bỏ thị trường, tuy nhiên đây là biến động rất bình thường của thị trường, đặc biệt với một thị trường cận biên như Việt Nam, hơn nữa việc điều chỉnh mạnh như thế này lại mở ra cơ hội mua cổ phiếu ở mức giá hấp dẫn. Ngoài ra báo cáo KQKD Q3 của nhiều doanh nghiệp cũng cho thấy sự tăng trưởng tích cực ở một số ngành như thép, dầu khí… Do vậy, nhà đầu tư có thể cân nhắc để giải ngân cho mục tiêu dài hạn, đồng thời đón sóng từ việc hồi phục của nền kinh tế, đặc biệt xem xét đến những doanh nghiệp thực sự được hưởng lợi trong thời gian tới từ chính sách cho đến tiềm năng tăng trưởng.
Tăng trưởng GTGD và KLGD có những biến động trái chiều, GTGD giảm nhẹ 1% còn KLGD tăng 18% so với tuần trước, nguyên nhân có thể do nhà đầu tư tăng cường mua bắt đáy nhưng do giá chứng quyền giảm về mức thấp nên GTGD có phần suy giảm. Không có sự thay đổi trong việc lựa chọn chứng quyền để giao dịch của nhà đầu tư, top 4 chứng quyền có GTGD lớn nhất lần lượt là CSTB, CHPG, CFPT và CMWG. Chứng quyền ngân hàng hay BĐS khác chưa thu hút được nhà đầu tư dù thị giá cổ phiếu cũng đã được chiết khấu khá mạnh.