Cập nhật nhanh Kinh tế vĩ mô ngày 3/7/2025: THUẾ ĐỐI ỨNG 20% CHO VIỆT NAM, 40% CHO HÀNG TRUNG CHUYỂN. TỪ TÁC ĐỘNG TRUNG LẬP ĐẾN HỒI CHUÔNG CẢNH BÁO VỀ CẤU TRÚC KINH TẾ
03/07/2025 - 3:55:03 ChiềuNgày 2/7/2025, tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã chia sẻ trên mạng xã hội về thuế đối ứng đối với Việt Nam, với nội dung chính như sau:
- Mỹ sẽ áp dụng mức thuế 20% đối với các hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ;
- Mỹ sẽ bị áp mức thuế 40% đối với các hàng hóa trung chuyển “transhipping” qua Việt nam sang Mỹ.
- Đổi lại, Việt Nam mở cửa thị trường cho Mỹ, với mức thuế bằng 0%.
Tuy nhiên, ngoài chia sẻ này của tổng thống Trump, về phía Chính phủ Việt Nam, hiện chưa có các thông báo chính thức nào liên quan tới vấn đề này. Phản ứng của thị trường nói chung là tương đối cẩn trọng, dù một số cổ phiếu FDI của Mỹ ở Việt Nam như Nike ghi nhận tăng giá.
NHẬN ĐỊNH CỦA ACBS:
Với những thông tin sơ bộ từ thông báo của ông Trump, và hiện vẫn còn rất nhiều thông tin chi tiết cần làm rõ, chúng tôi cho rằng, kết quả đàm phán thuế hiện tại giữa Việt Nam và Mỹ là phù hợp với kịch bản cơ sở về các ước đoán trước đây (20-25% thuế đối ứng), và có tác động từ Trung lập đến Tiêu cực nhẹ đối với nền kinh tế Việt Nam. Một số tổ chức nghiên cứu quốc tế cũng đã dự báo về kịch bản này và cho rằng sẽ làm XNK của Việt nam suy giảm và tác động giảm khoảng 0,5% GDP của Việt Nam. Đánh giá của chúng tôi căn cứ trên các cơ sở sau:
(1) Chúng tôi đang hiểu rằng, mức thuế đối ứng 20% mà tổng thống Trump đề cập trong bài là mức thuế “all-in”, tức là đã bao gồm 10% thuế cơ sở đang tạm tính. Và mức 20% này có thể được sử dụng để so sánh tương quan với mức thuế 10% đang áp dụng cho UK, hay 18% đang đàm phán với Thái Lan, 25% (hay nguy cơ leo thang thành 50% với EU). Như vậy, nếu so sánh với đề xuất ban đầu là 46%, thì mức 20% là sự giảm thiếu đáng kể. Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia đã chính thức ký hay đang đàm phán các vòng cuối với Mỹ, thì mức 20% không phải là một mức thấp. Vì vậy, áp lực về FDI của Việt Nam so với các quốc gia khác ngoài Trung Quốc vẫn sẽ khá lớn trong thời gian tới.
(2) Mức thuế 40% đối với hàng “trung chuyển” là một khái niệm cần làm rõ hơn. Việt nam đang gặp vấn đề với việc bị cáo buộc là “nước trung gian” để trung chuyển hàng Trung Quốc sang Mỹ. Vì vậy, việc áp dụng riêng một mức thuế cao hơn hẳn để tránh tình trạng này là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thấy thông tin về việc định nghĩa “hàng trung chuyển” trong tuyên bố của tổng thống Trump. Hiện có 2 phương pháp xác định hàng trung chuyển là theo CO (Certificate of Origin: Chứng nhận xuất xứ hàng hóa) và RVC (Regional value content: Hàm lượng giá trị khu vực/Tỷ lệ giá trị nội địa). RVC = tỷ lệ giữa giá trị nội khối/giá FOB của hàng hóa. Theo các hiệp định FTA, nếu RVC trên 40% thì được coi là xuất xứ hợp lệ để hưởng ưu đãi thuế. Thông thường, RVC cũng đồng thời là điều kiện quan trọng nhất để một mặt hàng đạt được CO. Vì vậy, mặc dù Việt Nam và Mỹ chưa ký kết FTA, nhưng xét trên bản chất của vấn đề thương mại, chúng tôi cho rằng, tiêu chí áp dụng sẽ dựa trên RVC và sẽ cần sự thỏa thuận/giám sát chặt chẽ giữa 2 nước đối với từng nhóm mặt hàng cụ thể. Đây là một thách thức đối với Việt Nam, không chỉ do đặc thù nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào việc nhập NVL từ Trung Quốc, mà còn từ nhiều quốc gia khác. Nền kinh tế nhiều năm phụ thuộc vào FDI với mức độ thâm dụng lao động cao và hàm lượng giá trị nội tại thấp sẽ cần sự cải tổ.
(3) Tuy nhiên, mức độ chênh lệch giữa thuế 40% & 54% dự kiến áp dụng cho Trung Quốc có thể khiến cho hoạt động “trung chuyển” vẫn tiếp diễn trong ngắn hạn. Điều này có lợi cho một số doanh nghiệp ngành logistics trong ngắn hạn, tuy nhiên, lại đe dọa chênh lệch cán cân thương mại trong trung – dài hạn và từ đó khiến quan hệ thương mại Việt – Mỹ trở nên phức tạp hơn.
(4) Tác động của thuế quan sẽ khác biệt đối với từng nhóm ngành. Dưới đây là bảng tỷ trọng top 10 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trong Q12025 và hàm lượng FDI của các nhóm hàng (Tham khảo phụ lục 1).
Trong bảng dưới đây, chúng tôi thấy rằng, nhóm hàng điện tử & máy tính, điện thoại & linh kiện, máy móc thiết bị, giày dép, xơ, sợi dệt, nguyên phụ liệu dệt may… đều là các nhóm hàng có hàm lượng FDI rất cao, tỷ lệ nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc cũng rất lớn, từ đó, đối mặt với nguy cơ bị áp thuế 40%. Trong khi các nhóm gỗ, nông thủy sản, cao su… sẽ không gặp vấn đề về xuất xứ. Chúng tôi sẽ có đánh giá chi tiết hơn đối với từng nhóm doanh nghiệp niêm yết trong báo cáo cập nhật tiếp theo.