[Tổng hợp kiến thức] Chứng chỉ quỹ mở là gì?
Chứng chỉ quỹ mở là gì? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ bản chất, cơ hội & rủi ro, cách đầu tư chứng chỉ quỹ mở linh hoạt và hiệu quả trong bối cảnh thị trường nhiều biến động.
1. Chứng chỉ quỹ mở là gì? Cơ chế hoạt động và sinh lời của CCQ mở
Căn cứ Luật chứng khoán 2019 có thể hiểu: Chứng chỉ quỹ mở (CCQ mở) là một loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu phần vốn góp của nhà đầu tư vào một quỹ mở. Quỹ mở là quỹ đầu tư đại chúng hình thành từ vốn góp của nhiều nhà đầu tư, trong đó nhà đầu tư không có quyền kiểm soát hằng ngày đối với việc ra quyết định đầu tư của quỹ. Quỹ mở liên tục phát hành và mua lại CCQ mở theo yêu cầu của nhà đầu tư.
Cơ chế hoạt động và sinh lời của chứng chỉ quỹ mở:
- Nhà đầu tư mua CCQ mở thông qua công ty quản lý quỹ hoặc đại lý phân phối (công ty chứng khoán, ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm) như một hình thức góp vốn vào quỹ đầu tư nhưng không được tham gia vào quyết định đầu tư của quỹ hay hưởng cổ tức.
- Quỹ được vận hành và quản lý bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp – nơi các chuyên gia tài chính giàu kinh nghiệm thực hiện phân tích, sàng lọc và đầu tư vào các loại chứng khoán như cổ phiếu hoặc trái phiếu.
- Sau khi hoàn tất đợt chào bán đầu tiên ra công chúng, nhà đầu tư có thể mua hoặc bán CCQ mở trực tiếp cho công ty quản lý quỹ hoặc đại lý phân phối theo chu kỳ nhất định, dựa trên giá trị tài sản ròng trên mỗi đơn vị quỹ (NAV/CCQ).
- Giá chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ) (giá trị thực của 1 chứng chỉ quỹ tại thời điểm hiện tại) tăng hay giảm phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động đầu tư của quỹ.
Lợi nhuận đầu tư CCQ mở được tính bằng khoản chênh lệch giữa giá mua và giá bán:
Lợi nhuận = (Giá NAV bán – Giá NAV mua trung bình) × Số lượng chứng chỉ quỹ bán |

2. Các loại chứng chỉ quỹ mở hiện có trên thị trường
Chứng chỉ quỹ mở gồm 3 loại chính được phân loại dựa trên chiến lược phân bổ tài sản và mức độ rủi ro:
- Chứng chỉ quỹ mở cổ phiếu: Là sản phẩm của quỹ đầu tư chủ yếu vào cổ phiếu với tiềm năng sinh lời cao nhưng đi kèm mức độ rủi ro lớn.
- Chứng chỉ quỹ mở trái phiếu: Là sản phẩm của quỹ đầu tư tập trung vào trái phiếu (trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ…) ưu tiên tính ổn định và ít rủi ro. Tuy nhiên, mức sinh lời của loại hình này thường thấp hơn so với quỹ cổ phiếu.
- Chứng chỉ quỹ mở cân bằng: Là sản phẩm của quỹ đầu tư kết hợp (đầu tư vào cả cổ phiếu và trái phiếu) nhằm phân tán rủi ro và tối ưu lợi nhuận. Mức rủi ro của quỹ này ở mức trung bình, cao hơn quỹ trái phiếu nhưng thấp hơn quỹ cổ phiếu.
3. Ưu – nhược điểm chứng chỉ quỹ mở? Có nên đầu tư chứng chỉ quỹ mở không?
Nhà đầu tư sẽ có cái nhìn toàn diện và đưa ra quyết định sáng suốt hơn khi hiểu rõ về những lợi ích và hạn chế khi đầu tư chứng chỉ quỹ.
Ưu điểm | Nhược điểm |
|
|
Mặc dù có những hạn chế nhất định nhưng nhìn chung chứng chỉ quỹ mở vẫn là kênh đầu tư lý tưởng. Với ưu điểm không đòi hỏi vốn lớn hay kinh nghiệm chuyên sâu, chứng chỉ quỹ mở trở thành lựa chọn hấp dẫn, đặc biệt với những người muốn kiếm lợi nhuận ổn định và an toàn. Vì lý do này, hình thức đầu tư này ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trên thị trường.
4. So sánh chứng chỉ quỹ mở với cổ phiếu, trái phiếu, gửi tiết kiệm
Bảng so sánh tổng quát dưới đây sẽ giúp nhà đầu tư hiểu rõ sự khác biệt giữa chứng chỉ quỹ mở và các kênh đầu tư phổ biến khác như cổ phiếu, trái phiếu và gửi tiết kiệm.
Tiêu chí | Chứng chỉ quỹ mở | Cổ phiếu | Trái phiếu | Gửi tiết kiệm |
Bản chất | Đầu tư vào danh mục đa dạng (cổ phiếu, trái phiếu…) do chuyên gia quản lý | Sở hữu một phần doanh nghiệp | Cho doanh nghiệp/ chính phủ vay vốn | Cho ngân hàng vay vốn |
Kiến thức đầu tư cần có | Nhà đầu tư chỉ cần mua chứng chỉ quỹ, các chuyên gia quỹ sẽ thay mặt thực hiện các quyết định đầu tư | Nhà đầu tư tự nghiên cứu, đánh giá và lựa chọn cổ phiếu trên thị trường | Nhà đầu tư cần tìm hiểu lãi suất, kỳ hạn, độ tín nhiệm của tổ chức phát hành | Nhà đầu tư cần tìm hiểu về lãi suất tiết kiệm và so sánh giữa các ngân hàng |
Tính thanh khoản | Cao vì giao dịch trực tiếp với công ty quản lý quỹ | Khá cao nhưng phụ thuộc vào cung cầu thị trường | Trung bình vì có thể mua bán linh hoạt nhưng nhà đầu tư thường giữ đến đáo hạn | Trung bình vì có thể rút trước kỳ hạn nhưng mất lãi |
Mức độ rủi ro | Rủi ro thấp nhờ danh mục đầu tư đa dạng, giảm thiểu tác động từ biến động của một cổ phiếu | Rủi ro cao do danh mục thường ít đa dạng, phụ thuộc nhiều vào hiệu suất của một vài cổ phiếu | Rủi ro thấp vì lãi suất được trả định kỳ dù doanh nghiệp lãi hay lỗ | Rủi ro thấp vì lãi suất được trả định kỳ |
Lợi nhuận | Lợi nhuận ổn định và tốt nếu hiệu suất đầu tư của quỹ hiệu quả | Lợi nhuận có thể rất cao nếu các cổ phiếu trong danh mục tăng trưởng mạnh | Ổn định | Thấp |
Ưu điểm | Ít rủi ro nếu đầu tư vào quỹ uy tín | Lợi nhuận cao và được hưởng cổ tức | An toàn, thu nhập ổn định | An toàn tuyệt đối, không lo lỗ |
Nhược điểm | Phí quản lý và phí bán ảnh hưởng lợi nhuận | Giá trị cổ phiếu biến động mạnh vì bị tác động bởi nhiều yếu tố | Lợi nhuận kém hấp dẫn khi lãi suất thị trường hoặc lạm phát tăng cao | Lợi nhuận rất thấp |
Qua bảng so sánh có thể thấy:
- Chứng chỉ quỹ mở, trái phiếu, gửi tiết kiệm đều là các kênh đầu tư khá an toàn và phù hợp với nhà đầu tư tìm kiếm sự ổn định, không có nhiều thời gian hoặc kiến thức để tự đầu tư.
- Cổ phiếu dành cho những nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn để tìm kiếm lợi nhuận lớn, với điều kiện họ phải tự nghiên cứu và đưa ra quyết định đầu tư.
Việc lựa chọn đầu tư loại tài sản nào phụ thuộc vào mục tiêu tài chính, mức độ chấp nhận rủi ro và kinh nghiệm đầu tư của mỗi cá nhân.
5. So sánh chứng chỉ quỹ đóng và chứng chỉ quỹ mở
Quỹ mở: Quỹ mở là một loại quỹ đầu tư đại chúng được thành lập từ vốn góp của nhà đầu tư, trong đó CCQ được mua bán thường xuyên giữa nhà đầu tư và công ty quản lý quỹ. Công ty quản lý quỹ có nghĩa vụ mua lại CCQ theo yêu cầu của nhà đầu tư vào bất kỳ thời điểm nào (theo quy định).
Quỹ đóng: Quỹ đóng là một loại quỹ đầu tư đại chúng mà CCQ chỉ phát hành một lần duy nhất khi huy động vốn. Nhà đầu tư cá nhân hay nhà đầu tư tổ chức/chuyên nghiệp đều có thể mua chứng chỉ quỹ khi quỹ chào bán ra công chúng (thị trường thứ cấp).
Sau khi quỹ được thành lập, nhà đầu tư không thể rút vốn hay góp thêm vốn, công ty quản lý quỹ cũng không mua lại CCQ đóng từ nhà đầu tư. Nhằm đảm bảo tính thanh khoản, CCQ đóng được niêm yết trên các sàn chứng khoán giống như cổ phiếu. Nhà đầu tư muốn chuyển nhượng CCQ đóng phải mua bán trên sàn giao dịch chứng khoán (thị trường thứ cấp).
Quỹ đóng chỉ phát hành thêm CCQ khi tăng vốn điều lệ quỹ. Khi đó, CCQ đóng chỉ được phát hành cho nhà đầu tư hiện hữu của quỹ thông qua phát hành quyền mua CCQ đóng được chuyển nhượng. Trường hợp nhà đầu tư hiện hữu không mua hết quyền mua thì được phát hành cho nhà đầu tư bên ngoài.
Đầu tư chứng chỉ quỹ mở khác chứng chỉ quỹ đóng cụ thể như sau:
Tiêu chí | Chứng chỉ quỹ mở | Chứng chỉ quỹ đóng |
Thời gian hoạt động | Không có thời hạn cố định | Có thời hạn cố định |
Yêu cầu góp vốn ban đầu | Nhỏ | Tương đối lớn |
Tính thanh khoản | Cao vì nhà đầu tư có thể bán lại chứng chỉ quỹ cho công ty quản lý quỹ | Thấp vì không thể rút vốn trước hạn trực tiếp từ quỹ, nhà đầu tư muốn chuyển nhượng phải mua bán trên thị trường thứ cấp (sàn giao dịch chứng khoán) và khó tìm được người mua khi thị trường có biến động |
Quy mô vốn | Không giới hạn, thay đổi linh hoạt | Ổn định, huy động một lần hoặc khi tăng vốn điều lệ |
Phương thức giao dịch | Mua bán trực tiếp với công ty quản lý quỹ hoặc các đại lý phân phối | Thị trường sơ cấp: Mua CCQ đóng thông qua công ty quản lý quỹ và các đại lý phân phối (công ty chứng khoán, doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại)
Thị trường thứ cấp: CCQ đóng được niêm yết và mua bán trên sàn chứng khoán giữa các nhà đầu tư |
Qua bảng so sánh có thể thấy:
- Chứng chỉ quỹ mở: Phù hợp với mọi nhà đầu tư nhờ tính thanh khoản cao, yêu cầu vốn đầu tư thấp và dễ dàng rút vốn khi cần.
- Chứng chỉ quỹ đóng: Phù hợp với nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi, tài chính ổn định vì tính thanh khoản thấp.
Việc lựa chọn giữa hai loại quỹ này phụ thuộc vào nhu cầu đầu tư, khả năng tài chính, và chiến lược dài hạn của nhà đầu tư.
Xem thêm: Phân biệt rõ Quỹ mở và Quỹ đóng để đầu tư hiệu quả.
6. Chiến lược đầu tư chứng chỉ quỹ mở an toàn và hiệu quả
Dưới đây là chiến lược để đầu tư chứng chỉ quỹ mở một cách an toàn và hiệu quả cho nhà đầu tư mới:
Bước 1: Ghi nhớ những lưu ý quan trọng khi đầu tư chứng chỉ quỹ mở
Trước khi rót vốn vào bất kỳ hình thức đầu tư nào, nhà đầu tư cần hiểu rõ bản chất của sản phẩm và những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Một vài lưu ý nhà đầu tư cần nắm vững khi đầu tư CCQ mở gồm:
- Xác định rõ mục tiêu tài chính cá nhân và khẩu vị rủi ro: Đầu tư tăng trưởng dài hạn, tích lũy trung hạn hay bảo toàn vốn ngắn hạn? Ưu tiên lợi nhuận cao và sẵn sàng chấp nhận? Ưu tiên sự an toàn, ổn định? Mục tiêu này sẽ giúp bạn chọn loại quỹ đầu tư phù hợp.
- Lường trước rủi ro: CCQ mở được đánh giá là tài sản đầu tư an toàn hơn so với cổ phiếu, nhưng chúng vẫn chịu ảnh hưởng từ biến động thị trường. Tuy nhiên, rủi ro này thường ngắn hạn và quỹ mở vẫn mang lại lợi nhuận bền vững trong dài hạn.
- Thời gian nắm giữ quỹ: Mỗi loại quỹ mở có quy định khác nhau giữa thời gian giữ và phí bán. Ví dụ, nếu bán CCQ trong thời gian ngắn, nhà đầu tư có thể phải chịu phí, nhưng nếu giữ quỹ lâu hơn (trên 365 ngày), phí này có thể được giảm. Hiểu rõ thông tin này sẽ giúp nhà đầu tư lập kế hoạch đầu tư hiệu quả và tối ưu hóa lợi nhuận.
Bước 2: Tìm kiếm và đánh giá mức độ uy tín của chứng chỉ quỹ mở
Dưới đây là các yếu tố cần xem xét để đánh giá mức độ an toàn và uy tín của quỹ:
- Chọn công ty quản lý quỹ uy tín: Ưu tiên công ty có kinh nghiệm và đội ngũ chuyên gia am hiểu thị trường để đảm bảo khoản đầu tư được quản lý hiệu quả.
- Xem xét lợi nhuận quá khứ: Đánh giá hiệu suất quỹ trong nhiều khung thời gian (1 năm, 3 năm, 5 năm…) để hiểu rõ khả năng hoạt động bền vững và hiệu quả của quỹ.
- Đánh giá khả năng quản trị rủi ro: Xem xét cách quỹ quản lý danh mục và ứng phó với biến động thị trường để đảm bảo bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư.
- Quy mô quỹ và số lượng nhà đầu tư: Quỹ có quy mô tài sản lớn thường thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, điều này giúp thị trường giao dịch trở nên sôi động và có tính thanh khoản cao. Ngược lại, quỹ với quy mô nhỏ có thể gặp khó khăn trong việc thu hút vốn, khiến tính thanh khoản thấp hơn.
Nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn các công ty quản lý quỹ có lịch sử hình thành và hoạt động lâu đời, nhận được đánh giá cao từ các chuyên gia nổi tiếng. Các quỹ mở đang được ACBS hỗ trợ tư vấn đầu tư (số liệu cập nhật đến ngày 12/5/2025):
Tên chứng chỉ quỹ | Giá gần nhất | Lợi nhuận 6 tháng gần nhất | Tăng/giảm Giá trị tài sản ròng (NAV/CCQ) từ lúc giải ngân |
Quỹ Đầu tư Tăng trưởng DFVN (DFVN-CAF) | 14.527,59 | – 8.03% | 45.28%
DFVN-CAF hoàn tất giải ngân từ ngày (28/02/2019) Tìm hiểu thêm về DFVN-CAF tại đây |
Quỹ Đầu tư Trái phiếu DFVN (DFVN-FIX) | 11.507,02 | 1.48% | 15.07%
DFVN-FIX hoàn tất giải ngân từ ngày (04/02/2021) Tìm hiểu thêm về DFVN-FIX tại đây |

Bước 3: Tính toán tối ưu các khoản phí
Khi đầu tư vào quỹ mở, nhà đầu tư cần quan tâm đến các loại phí như phí mua, phí bán, phí quản lý… Những khoản phí này có thể khác nhau giữa các công ty quản lý quỹ và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận ròng. Việc so sánh các mức phí giữa các quỹ sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra lựa chọn tối ưu nhất.
Bước 4: Mua chứng chỉ quỹ mở từ Đại lý phân phối uy tín
Căn cứ Điều 76 Thông tư 98/2020/TT-BTC, Đại lý phân phối của quỹ mở là các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, ngân hàng lưu ký, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức kinh tế khác đã có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động phân phối chứng chỉ quỹ đại chúng.
Khách hàng mua chứng chỉ quỹ mở tại các Đại lý phân phối lớn sẽ được tiếp cận nguồn thông tin minh bạch và chính xác về quỹ, đồng thời được tư vấn hỗ trợ từ đội ngũ chuyên gia.
Nhiều nhà đầu tư chọn mua chứng chỉ quỹ mở thông qua công ty chứng khoán mà họ đã mở tài khoản giao dịch chứng khoán để không phải mất thời gian liên hệ nhiều bên, và tận dụng những dịch vụ đang được hỗ trợ. Khi mở tài khoản chứng khoán tại Công ty Chứng khoán ACBS, đội ngũ chuyên viên phân tích ACBS sẽ liên tục cập nhật và cung cấp các báo cáo chuyên sâu về tình hình thị trường chứng khoán, sẵn sàng đồng hành cùng nhà đầu tư trong mọi điều kiện thị trường.
Bước 5: Theo dõi hiệu quả đầu tư và điều chỉnh định kỳ
Nhà đầu tư cần theo dõi chỉ số NAV/quỹ mỗi tháng và so sánh hiệu suất với mục tiêu tài chính ban đầu. Khi thị trường biến động mạnh, nhà đầu tư có thể cân nhắc điều chỉnh danh mục nếu cần (chẳng hạn như chuyển từ quỹ cổ phiếu sang quỹ trái phiếu).

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ bản chất chứng chỉ quỹ mở là gì, cũng như biết cách đầu tư chứng chỉ quỹ mở một cách an toàn và hiệu quả. Dù bạn là nhà đầu tư mới hay đã có kinh nghiệm, việc có một đơn vị đồng hành chuyên nghiệp sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, giảm thiểu sai sót và nắm bắt đúng cơ hội thị trường.
Nếu bạn đang tìm kiếm lời khuyên từ chuyên gia hãy liên hệ với ACBS thông qua Hotline 028.7303.7979. Đội ngũ chuyên gia đầu tư và Trung tâm phân tích thị trường 25 năm kinh nghiệm của ACBS sẽ liên tục mang đến những kiến thức đầu tư bài bản, báo cáo tài chính chuyên sâu để nhà đầu tư bắt nhịp kịp thị trường. Đừng quên theo dõi Fanpage Chứng khoán ACB – ACBS để được trao đổi chuyện thị trường trực tiếp với đội ngũ phân tích của ACBS trong livestream “Chạm thông tin” vào 8h30 sáng thứ 2 hàng tuần.